Xem sản phẩm đồ gia dụng thông minh tại Gia Dụng Plus

Điểm Nhanh Tổng Quan Nội Dung Bài Viết

Ở góc độ người bán mới thì việc "làm sao bán được hàng?" là ưu tiên đầu tiên. Cũng có nhiều anh chị, các bạn chia sẻ về chủ đề này rất hay rồi.

Nên mình xin được đóng góp 1 series ở góc độ khác, song song đó là: "Bán được hàng rồi, quản trị và mở rộng ra sao?"

# PHẦN 1 TRONG SERIES: CÁCH TÍNH GIÁ VỐN

Thực ra có một câu hỏi thường xuyên được đặt ra khi bán hàng trên Shopee: "Tại sao shop họ bán rẻ thế?"
Nhất là với các sản phẩm có kích thước lớn, thể tính và cân nặng lớn thì giá cả càng có sự chênh lệch rõ rệt.
Ngoài các vấn đề khách quan như tối ưu giá mua hàng với SLL, chiến lược của từng shop. Thì vấn đề thật sự chính mình cũng gặp đó là tính sai giá vốn (giá gốc) dẫn đến bán hàng ra tưởng là có lãi nhiều - nhưng thật sự nhiều khi chỉ bán cho vui, bán hàng vì đam mê chứ không có đồng lãi nào sau khi trừ chi phí.

1 GIÁ VỐN LÀ GÌ ?

Giá vốn là tổng giá trị vốn mà ta bỏ ra để hàng có mặt tại kho.

Tức là giá vốn đã bao gồm các chi phí liên quan như giá mua, vận chuyển, thuế, bốc xếp... Tính được giá vốn là tiền đề, khởi đầu cho mọi kế hoạch kinh doanh.
Giá vốn rất quan trọng vì nó là tiền đề cho công thức để tính ra một cái giá khác - đó là giá bán. Thường giá bán sẽ được dựa vào giá vốn và mức lợi nhuận mong muốn, chi phí bỏ ra.

Ví dụ:

Giá vốn sản phẩm A là 100.000đ. Chủ shop mong muốn lợi nhuận là 10% doanh số và chi phí bỏ ra để bán sản phẩm là 30% doanh số.
---

Ta luôn có công thức như sau:

LỢI NHUẬN = DOANH THU - ( GIÁ VỐN + CHI PHÍ).

Thay các biến lợi nhuận, chi phí và giá vốn vào, ta có thể suy ra như sau:

GIÁ BÁN RA = 100.000đ + GIÁ BÁN RA * 0.1 + GIÁ BÁN RA * 0.3
=> GIÁ BÁN RA = 100.000đ / 0.6
=> BÁN: 167.000đ mang về lợi nhuận 16.700đ

Tính sai giá vốn là 95.000đ thì giá bán là 157.000đ. Chỉ lãi thật sự là 6.700đ ~ 4.2% lợi nhuận.

Tính sai giá vốn là 90.000đ thì giá bán là 150.000đ. Chỉ lãi thật sự là -300đ ~ lãi tình cảm.

Giải thích:

- Lãi 10% là của rất nhiều shop đang mong muốn hoặc đang có.
- Chi phí 30% thì không cố định, nhiều thời kì khó khăn nó còn lên 35% 40% thì lợi nhuận giảm và mức lỗ còn tăng cao nữa.

2 CÁCH TÍNH CHI PHÍ VẬN CHUYỂN

Đối với anh em bán hàng TQ thì tiền vận chuyển luôn là mức chi phí rất cao và gây ảnh hưởng cực lớn đến giá vốn. Mình xin chia sẻ cách ước tính phí vận chuyển theo cách của bản thân mình.

- Yêu cầu:

Phải có đầy đủ thông tin sản phẩm (1 cái, 1 gói, 1 đơn vị) bao gồm: chiều dài, chiều rộng, chiều cao, cân nặng thực tế (đã bao gồm cả bao bì)

Vận chuyển theo cân nặng (KG)

Có 2 loại cân nặng chúng ta cần quan tâm đó là cân nặng thực tế và cân nặng quy đổi. Trong đó cân quy đổi tuỳ theo từng bên mà cách tính khác nhau, nhưng công thức chuẩn sẽ là: (dài cm x rộng cm x cao cm) / 7000.
Thông thường cân nào nặng hơn thì lấy cân đó. Giá trung bình theo cân nặng là 13.000đ - 30.000đ tuỳ ngành hàng và bên vận chuyển.

Vận chuyển theo khối (thể tích)

Khối còn được gọi là thể tích (quy ra mét khối) nên công thức tính sẽ là: (dài cm x rộng cm x cao cm) / 1000000
Với 1 mét khối vận chuyển có giá cả trung bình sẽ là 2 triệu 8 tới 3 triệu 2 tuỳ theo ngành hàng và bên vận chuyển.

Ví dụ:

Ta có 1 sản phẩm A cao 20cm, rộng 20cm, dài 20cm và cân nặng của nó là 1 kilogram.

=> Cân thực tế là: 1 kilogram
=> Cân quy đổi sẽ là: (20x20x20) / 7000 = 1.15 kilogram
=> Số khối sẽ là: 0.008 mét khối.

* Tiền vận chuyển: Bao gồm tiền vận chuyển nội địa TQ, tiền vận chuyển về VN, tiền vận chuyển từ kho VN tới kho của mình, tiền bốc xếp (nếu có)

Ở đây ví dụ đi theo khối với số tiền là 3 triệu / khối, vận chuyển nội địa hết 150 tệ / khối, vận chuyển tới kho mình hết 100.000đ / khối.

* Phí vận chuyển của A = 3.000.000 * 0.008 + 3850 * 0.008 * 150 + 100.000 * 0.008 = 29.420đ (chưa có phí bốc xếp nếu có)

Lưu ý quan trọng về phí vận chuyển:

  • Nên nâng lên 5% là do bao bì bên ngoài, hoặc quá trình đo đạc của bên vận chuyển không chính xác.
  • Nhiều khi bên mình tiền vận chuyển còn lớn hơn tiền mua hàng (ví là hàng cồng kềnh).
  • Có một số bạn tính bằng cách chia tổng tiền vận chuyển / số sản phẩm trong đơn. Do vậy, các sản phẩm lớn thì cảm giác sẽ là rẻ hơn nhiều và các sản phẩm nhỏ thì sẽ gánh tiền cho các sản phẩm lớn => cực kỳ sai lầm.
  • Nếu không ước tính được chính xác giá vốn thì sẽ không lên được kế hoạch buôn bán và cạnh tranh sản phẩm mới.

3 CÁCH TÍNH GIÁ VỐN

Ở đây, mình xin nếu ra 2 trường hợp thôi còn lại các trường hợp khác cũng khá là tương tự.

Nhập 1 sản phẩm trên một lần nhập

Với trường hợp này thì khá là đơn giản rồi. Chỉ cần lấy: GIÁ VỐN = GIÁ MUA + Tổng chi phí / Số sản phẩm.

Nhập nhiều sản phẩm trên một lần nhập

Với trường hợp này thì có 2 trường phái:
- Chỉ tính 1 lần - các lần sau tương tự.
- Tính cho mỗi lần nhập

Mình khá là lười nên áp dụng cách tính 1 lần rồi áp dụng cho các lần sau, nếu không có biến động quá lớn. Với cách này thì ta chỉ cần cộng giá mua và giá vận chuyển (ở trên) và chi phí khác nếu có.

Tất nhiên, đây chỉ là ước tính. Sau lần nhập đầu tiên và nắm tất cả chi phí bỏ ra thì ta nên hoạch toán lại và xem các khoản bị chênh lệch. Từ đó, điều chỉnh lại chi phí cho chính xác.

4 NHƯNG HÃY NHỚ NHỮNG LƯU Ý CHUNG SAU ĐÂY

- Tính giá vốn phải tính cho đúng, đừng cố gắng dấu diếm hoặc cho nhỏ đi bất kỳ chi phí nào.

- Nhập TQ có phí ship nội địa TQ (hay bị bỏ qua lắm). Giá thường cũng 100 tệ - 200 tệ / 1 khối hàng chứ không phải ít. Đôi khi còn phải trả cả phí bốc xếp.

- Nhập order TN thì thường có phí - thường là 1%.

- Nếu xe hàng không về thẳng kho mình mà qua kho trung gian - vận chuyển từ kho bên vận chuyển về kho mình cũng tốn. Thường là 350.000đ - 500.000đ / xe 8 khối.

- Nếu là hàng dễ vỡ như đồ sứ, thuỷ tinh... - xin hãy cộng thêm 1 ~ 2% chi phí rủi ro.

 

Đây là những kinh nghiệm của cá nhân mình trong việc tính giá vốn, anh em thấy chỗ nào chưa đúng thì hãy comment để mình chỉnh sửa và cập nhật thêm.
Gặp lại đại gia đình ở những phần tiếp theo nhé.

 

icon trang chủ - giadungplus.com Trang Chủ icon trang danh mục - giadungplus.com Danh Mục Icon tất cả sản phẩm - giadungplus.com Sản Phẩm icon giỏ hàng - giadungplus.com 0 Giỏ Hàng icon support Blogs